Friday, August 10, 2012

Những phong trào mới nở rộ của game Việt

Thị trường game online Việt đã trải qua nhiều phong trào lớn trong lịch sử của mình, tuy nhiên số lượng các phong trào mới đột ngột tăng trong khoảng 2 năm gần đây. Âu chúng cũng nảy sinh từ thực trạng thị trường nội địa và nhiều khả năng sẽ biến mất khi việc xiết chặt quản lý trò chơi trực tuyến được nới lỏng. Hãy cùng điểm lại một lượt những phong trào này.
Nước ngoài bản Việt
Đây là phong trào rõ ràng nhất trong 2 năm gần đây, khi mà các NPH chủ yếu tung ra phiên bản game với server đặt tại nước ngoài. Khởi đầu là trường hợp của Thần Long Huyết Kiếm rồi tới Loong Online, Kiếm Rồng... và mới nhất là SQUAD - MMOFPS thuần Việt nhưng phát hành tại Hàn Quốc.

Thần Long Huyết Kiếm mở màn cho kiểu game ngoại bản Việt.
Trên thực tế, các MMO "nước ngoài bản Việt" nghe qua thì sẽ tạo bất lợi cho game thủ, nhưng dù sao chúng cũng hoạt động bài bản hơn là nhiều game dù phát hành (đặt server tại Việt Nam) nhưng... không biết NPH là ai. Đây cũng là điều dễ hiểu vì thực lực để vận hành chúng đều chỉ có ở các hãng lớn.
Giờ đây, gamer Việt cũng đã quen dần với hình thức trên, và họ cũng không còn tỏ ra bức xúc với NPH vì hiểu rằng "thế thời phải thế". Dĩ nhiên, ngay khi quy chế mới về phát hành MMO được tung ra thì nó cũng lùi vào dĩ vãng.
Bài hàng "tàu"
Cuộc chiến tranh cãi giữa 2 phe, một bên ủng hộ các MMO gốc Trung Quốc và một bên tẩy chay đã diễn ra suốt lịch sử làng game nội địa. Thế nhưng đa phần 2 phe này đều không bên nào vượt hơn bên nào, cho tới khoảng 1 năm gần đây khi webgame đổ bộ với số lượng quá lớn.

Webgame TQ vẫn bị bài xích tới tận lúc này.
Việc những webgame gốc Trung Quốc gần như sao chép y hệt nhau (chỉ khác về đồ họa) được mua về hàng loạt khiến cộng đồng người chơi đã chán lại càng chán hơn, họ bắt đầu một phong trào bài xích hoặc tẩy chay bất cứ MMO nào tới từ xứ sở Gấu trúc. Thậm chí cứ khi nào bắt gặp là sẽ có người thốt lên "lại game Tàu à".
Tuy vậy, sự thật là dù phong trào bài webgame Trung Quốc lên cao nhưng lợi nhuận từ phía các NPH vẫn không mấy suy giảm. Tựu chung lại, những webgame không hay thường sẽ bị đào thải nhanh chóng trong khi các sản phẩm mang gameplay mới lạ vẫn thành công.
Hồi sinh game cũ
Khác với 2 phong trào trên, phong trào hồi sinh game cũ mới chỉ xuất hiện trong khoảng nửa năm gần đây, bắt đầu từ việc Dzogame phát hành Hiệp Khách Giang Hồ và cho tới nay đã kéo theo Maple Story, Cửu Long Tranh Bá, TS Online...

Maple Story - Một trong những MMO hồi sinh.
Đã có nhiều bình luận cũng như nhận định rằng cách làm này vô hình chung đang khiến thị trường game nội địa đi thụt lùi so với thế giới, thế nhưng trên hết là chúng đã khiến cộng đồng gamer sôi động trở lại trong thời kỳ ảm đạm. Có thể thí dụ như trường hợp của CLTB khi server luôn full và người chơi thúc ép NPH ra server mới.
Trên thực tế, các công ty hồi sinh game cũ chủ yếu chỉ là những hãng nhỏ lẻ (thậm chí có đơn vị còn giống như private server) nên chất lượng vận hành chưa tốt và lượng CCU sau thời gian đầu vọt lên sẽ giảm xuống thảm hại. Dẫu sao, "méo mó có hơn không" mà thôi.
Thất hứa
Mặc dù chuyện hứa hẹn ra game rồi phải lùi lại một thời gian không có gì lạ lùng với vô số trường hợp trong quá khứ, thế nhưng thời gian qua lại ghi nhận chúng tăng đột biến. Có thể kể đến rõ ràng nhất là trường hợp của VLTK 3, Thủy Hử Truyền Kỳ, TS Online, Âu Lạc, Tinh Thần Biến, Elsword, Tam Giới...

VLTK 3 lỡ hẹn là điều đáng buồn nhất trong năm nay.
Nguyên nhân dẫn đến các trường hợp trên dĩ nhiên cũng không nằm ngoài vấn đề "giấy phép", có điều chúng đều là các MMO hấp dẫn hơn hẳn so với webgame nên gamer Việt thường hụt hẫng hoặc tiếc nuối. Ngay cả các NPH cũng chẳng vui vẻ gì khi game đã Việt hóa xong vẫn phải đắp chiếu nằm chờ.
Tuy nhiên, số lượng lớn các dự án này rất có thể sẽ dẫn tới kết cục "sau cơn mưa trời lại sáng", tức là thị trường sẽ ồ ạt game hay khi các giới hạn được gỡ bỏ. Nhiều chuyên gia nhận định thời điểm đó là cuối năm nay hoặc đầu năm 2013.

No comments:

Post a Comment