Thursday, April 25, 2013
Cảm nhận ngày đầu Đại Việt Truyền Kỳ mở cửa
Như vậy là sau hai lần trì hoãn, lần đầu vào ngày 12/04 và lần thứ hai vào ngày 19/04, đến 10h sáng ngày hôm nay, 25/04, tựa game “made in Việt Nam” mang tên Đại Việt Truyền Kỳ đã chính thức mở cửa thử nghiệm lần đầu tiên cho cộng đồng game thủ Việt có thể thưởng thức tựa game.
Theo ghi nhận ban đầu của GameK, server thử nghiệm của Đại Việt Truyền Kỳ mang tên Hùng Vương vào buổi trưa nay đã có khá đông những game thủ đến từ khắp mọi miền đất nước tham gia trải nghiệm. Những lời mời kết bạn hay hảo hữu cũng như tìm kiếm “đồng hương” xuất hiện một cách liên tục trên kênh chat global của tựa game.
Về lối chơi, nếu nhận xét một cách công bằng thì Đại Việt Truyền Kỳ có lối chơi không quá khác biệt hay có những thay đổi mang tính đột phá so với những game online trình duyệt hiện đang có trên thị trường Việt Nam hiện nay. Nói cách khác, lối chơi “rảnh tay” như trên các webgame với sự hiện diện của công cụ auto nhận nhiệm vụ và tự động di chuyển vẫn hiện diện trong Đại Việt Truyền Kỳ.
Trước đây, khi dự án được giới thiệu, Đại Việt Truyền Kỳ đã được giới thiệu là một trong những tựa game có cốt truyện kéo dài xuyên suốt chiều dài lịch sử đất Việt. Và ở một chừng mực nhất định, vào buổi sáng ngày hôm nay không ít những game thủ đã có mặt trong game đơn giản chỉ để trải nghiệm cái "chất" thuần Việt, thứ mà không ít game thủ game thấy làng game Việt thiếu thốn, và cũng là điều đội ngũ phát hành game đã quảng bá cho sản phẩm của họ.
Tuy nhiên, có thể nhận định rằng điều duy nhất khiến game thủ nghĩ tới chất thuần Việt chỉ là những địa danh trong game như Mê Linh hay cố đô Hoa Lư, cũng như tên những nhân vật NPC trong game như Mị Nương. Ngoài ra, tất cả những thứ đập vào mắt người chơi, từ khung cảnh, những công trình trong game đến thiết kế phục trang nhân vật đều toát lên "chất" kiếm hiệp rất rõ ràng trong những tựa game online có nguồn gốc từ người hàng xóm phương Bắc.
Chắc hẳn các bạn sẽ không muốn ngắm nhìn những nhân vật như Tổ Mẫu nước Đại Việt mặc trên mình những bộ trang phục thiếu vải, thế nhưng đó chính là những gì Đại Việt Truyền Kỳ đem đến cho người chơi. Có lẽ nhân vật được lột tả chính xác nhất về phục trang phải kể đến những tên giặc nước Ân. Quả thật rất khó để người viết có thể nhận định mức độ "thuần Việt" trong tựa game này đến đâu, đơn giản vì hình ảnh trong game đặc sệt chất Trung Hoa, trong khi nội dung lại gắn rất chặt với lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến trung đại.
Thật may mắn là trong phiên bản alpha test này, việc đánh quái vẫn cần sự can thiệp của người chơi bằng cách chọn mục tiêu thay vì click một lần trên công cụ auto và ngắm nhìn nhân vật trong game của mình tả xung hữu đột giữa bầy quái vật, trong khi hai tay vẫn đang bận thưởng thức cốc café nóng mới pha…
Một ghi nhận khác là về hệ thống server của Đại Việt Truyền Kỳ. Tựa game trình duyệt này tự động thay đổi độ phân giải khi chơi tùy thuộc vào việc điều chỉnh độ to nhỏ trong trình duyệt của người chơi. Tuy nhiên trong khi thưởng thức game với độ phân giải lớn (trong thử nghiệm là 1920x1080), cảnh nền hoặc một vài vật thể trong game chưa được tải hết, gây ra hiện tượng vụn điểm ảnh, khá khó chịu trong quá trình chơi game.
Trong ngày đầu tiên Đại Việt Truyền Kỳ ra mắt, đã có không ít game thủ không thể đăng nhập được vào trang web chọn máy chủ để thưởng thức tựa game. Bản thân người viết cũng mất khoảng vài phút chỉ để chờ trang web Đại Việt Truyền Kỳ cho phép vào máy chủ để thưởng thức game. Trong khi đó, một số game thủ khác thì nhận định đây chỉ là một tựa game Việt hóa, có lẽ nhận định kể trên có được từ việc tên một vài nhân vật, thú nuôi cũng như quái vật vẫn được sử dụng phiên âm tiếng Hán thay vì diễn Nôm.
Nhìn chung, ngày đầu mở cửa của Đại Việt Truyền Kỳ sau hai lần trì hoãn đã có sự thành công tương đối. Hy vọng nhà phát hành tựa game sẽ khắc phục tình trạng nhiều game thủ vẫn chưa vào được game như trong buổi trưa ngày hôm nay. Trong khi đó, những nhận xét của game thủ về Đại Việt Truyền Kỳ sẽ được GameK đăng tải trong thời gian sớm nhất.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment